Việc kết hợp nhiều phương thức xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng trong năm nay khiến nhiều thí sinh lẫn phụ huynh bối rối không biết nên đặt nguyện vọng sao cho đúng. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã có những giải đáp cho vấn đề này và đưa ra lời khuyên có lợi nhất cho thí sinh.
Theo bà Thủy, việc sắp xếp nguyện vọng này nếu hiểu đúng thì sẽ rất đơn giản. Khi đăng ký, thí sinh muốn đặt nguyện vọng vào nơi mình yêu thích thì phải đăng ký tất cả thông tin như ngành đào tạo, phương thức xét tuyển đã nộp hồ sơ, tương ứng với mã ngành cụ thể.
Thí sinh sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, nguyện vọng mong muốn nhất xếp ở vị trí đầu tiến, rồi tới các nguyện vọng tiếp theo. Nếu thí sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng thì hệ thống lọc ảo của Bộ sẽ chỉ xác định thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng xếp ở vị trí ưu tiên cao nhất.
Một phụ huynh thắc mắc tại ngày Hội tư vấn tuyến sinh: “Con tôi đăng ký vào 3 ngành của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, xếp thứ tự ưu tiên 1, 2, 3. Sau đó lại đăng ký 3 nguyện vọng vào 3 ngành của một trường khác cũng xếp ưu tiên 1, 2, 3. Nếu con tôi trúng tuyển cả 6 nguyện vọng, khi đó tôi lại muốn chọn nguyện vọng 3 của trường Bách khoa hay nguyện vọng 2 của Trường ĐH Kinh tế quốc dân thì có được không?”.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy giải đáp, thí sinh hoàn toàn có quyền lợi được đăng ký nhiều nguyện vọng tại 1 trường hay nhiều trường, tuy nhiên chỉ khi thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì cách sắp xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng mới có ý nghĩa. Phần mềm lọc ảo sẽ để thí sinh trúng tuyển tại nguyện vọng ưu tiên cao nhất mà thí sinh đăng ký trên hệ thống. Trước đó, thí sinh đăng ký xét tuyển tại trường chỉ để trường có được danh sách trúng tuyển tạm thời và cập nhật lên hệ thống.
Hay một thí sinh khác lo lắng khi muốn dự tuyển vào ngành yêu thích là ngành kiến trúc nhưng lại sợ hệ thống lọc ảo để mình trúng tuyển vào ngành khác trong trường hợp thí sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng cùng lúc.
Điều này hoàn toàn không thể xảy ra, nếu thí sinh đặt nguyện vọng yêu thích (ngành yêu thích) ở vị trí số 1 trên hệ thống thì khi đủ điều kiện trúng tuyển nguyện vọng này, chắc chắc thí sinh sẽ được tuyển vào ngành yêu thích, không cần lo lắng bị tuyển chệch sang ngành khác.
Ngoài ra, năm nay có tới 20 phương thức xét tuyển được công bố bởi các trường khiến phụ huynh, thí sinh hoang mang vì quá lạ lẫm. Điều thí sinh cần làm là xác định ngành học yêu thích của mình, xác định trường có đạo tạo ngành đó rồi nghiên cứu các phương thức xét tuyển của trường.
Không chỉ đặt ưu tiên vào ngành học yêu thích, thí sinh nên sắp xếp phương thức xét tuyển có lợi nhất theo sở trường của mình trong trường hợp trường/ngành sử dụng nhiều phương thức xét tuyển kết hợp. Ví dụ thí sinh có chứng chỉ SAT thì có thể chọn phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ SAT…
(Theo Bộ GD&ĐT)