[TOÁN LỚP 6] Cấu trúc đề thi giữa kỳ I và phương pháp làm tốt các dạng bài môn Toán 6 Bình luận

Thời gian này, học sinh lớp 6 tại các trường THCS đang chuẩn bị cho kỳ kiểm tra giữa học kỳ I. Đây là bài kiểm tra lớn đầu tiên khi các con học ở môi trường học tập cùng chương trình học mới. Không ít học sinh sẽ gặp khó khăn trong kì thi này. Để giúp các con có định hướng rõ ràng hơn trong việc ôn tập, tại bài viết này HOCMAIBOOK sẽ chia sẻ tới các bậc phụ huynh cấu trúc đề thi giữa kỳ môn Toán 6 và phương pháp giúp con làm tốt các dạng bài Toán 6 nhé!

1. Cấu trúc đề thi giữa học kỳ I môn Toán 6 

Các câu hỏi trong đề thi giữa học kỳ I môn Toán 6 sẽ đánh giá năng lực học sinh dựa trên 4 mức độ: Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng thấp – Vận dụng cao. Trong đó, bao gồm các nội dung kiến thức:

+Phần Đại số: Tập hợp các số tự nhiên, các phép tính trong trên tập số tự nhiên, tính chất chia hết trong tập hợp số tự nhiên, ước và bội.

+Phần Hình học: Điểm, đoạn thẳng, đường thẳng/ Các hình cơ bản

Cùng tham khảo đề thi Toán 6 giữa kỳ I (Bộ Chân trời sáng tạo) và các tiêu chí chấm điểm dưới đây nhé!

2. Phương pháp làm tốt các dạng bài trong bài thi giữa kỳ I Toán 6

Với bài thi giữa kỳ I Toán 6 mỗi trường lại có cách ra đề khác nhau nhưng chủ yếu có 2 dạng: Trắc nghiệm và Tự luận, hoặc đề thi hoàn toàn là Tự luận. Dù ở hình thức nào, đề thi cũng đều tập trung vào các chủ đề kiến học sinh đã học trên lớp. Các em chỉ cần nắm chắc cách giải các dạng bài thì đều có thể dễ dàng chinh phục điểm cao. 

Toán 6 với học sinh đa dạng các dạng bài nhưng được chia theo từng chủ đề học tập khác nhau dễ dàng ôn luyện :

Chủ đề: Tập hợp

Đây là phần kiến thức đầu tiên khi các con làm quen với chương trình Toán THCS. Ở phần kiến thức này, học sinh cần nắm được cách nhận biết được ký hiệu của một phần tử thuộc tập hợp, tập hợp con, cách viết đúng của một tập hợp. Bên cạnh đó, cũng cần biết tính đúng số phần tử của một tập hợp hữu hạn và liệt kê được tập hợp đó.

Chủ đề: Các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, lũy thừa và các tính chất của các phép toán trên tập số tự nhiên.

Để làm được những bài toán thuộc chủ đề này, học sinh cần nắm chắc được: thứ tự thực hiện các phép tính (nhân chia trước, cộng trừ sau); xác định được tích, thương của hai luỹ thừa cùng cơ số; hiểu được các tính chất cơ bản của phép toán số tự nhiên (tính chất giao hoán, tính chất kết hợp, tính chất phân phối…). 

Các dạng bài thường gặp trong chủ đề này thường là dạng giải bài tìm x có chứa lũy thừa. Học sinh cần vận dụng thành thạo các quy ước về thứ tự thực hiện các phép tính, các tính chất của các phép toán để thực hiện các phép tính trên tập hợp N.

Chủ đề: Tính chất chia hết của một tổng và các dấu hiệu chia hết

Ở nội dung này, học sinh cần nắm chắc được những dấu hiệu chia hết cho 2, cho 3, cho 5, cho 9, các tính chất chia hết của một tổng từ đó áp dụng vào dạng bài: Chứng tỏ một biểu thức chứa chữ chia hết cho một số (Đây là dạng bài thuộc phần vận dụng cao của đề thi).

Nắm chắc được nội dung lý thuyết cơ bản, 2k10 mới có thể vận dụng để làm tốt các bài vận dụng thấp và cao.

Chủ đề: Ước và bội

Đây là chủ đề đòi hỏi học sinh phải xác định được tập hợp các ước của một số tự nhiên và chỉ ra được bội chung của các số tự nhiên. Để làm được điều này, các em cần hiểu các phân tích một số ra thừa số nguyên tố.

Kiến thức căn bản của phần này chính là số nguyên tố. Vậy nên, để có thể làm tốt các dạng bài thì học sinh cần thuộc được các số nguyên tố nhỏ nhất như: 2; 3; 5; 7; 11; 13; 17… mới có thể dễ dàng và nhanh chóng phân tích được các số.

Phần hình học

Ở phần hình học, học sinh cần hiểu và nắm rõ các lý thuyết đã được học để vận dụng làm bài. Các phép toán trong bài tập hình học thường không quá khó, nhưng điều quan trọng để làm tốt các bài tập hình học là khả năng tư duy hình. Để đạt được điểm số cao trong phần này, học sinh hãy trình bày đầy đủ các bước lập luận để lời giải chặt chẽ và logic. 

Với học sinh lớp 6 mới chuyển cấp, lượng kiến thức môn Toán 6 các con học trong giữa kỳ I hẳn không ít. Bởi vậy, để đạt được kết quả tốt nhất trong bài thi, các con cần ôn luyện và chuẩn bị kỹ càng. Đặc biệt, trước những diễn biến còn nhiều phức tạp của dịch bệnh Covid 19, các con chưa thể tiếp tục đến trường mà phải tiếp tục học online tại nhà. Đây lại tiếp tục trở thành một trong những khó khăn khi các con vẫn chưa quen với việc làm bài kiểm tra online. 

Trên đây là những chia sẻ của HOCMAIBOOK về cấu trúc đề thi giữa kì I môn Toán 6 và phương pháp làm các dạng thường xuyên xuất hiện trong các bài thi/bài kiểm tra. HOCMAIBOOK hy vọng các em sẽ đạt điểm cao trong kỳ thi đầu tiên THCS này nhé. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *