Thi đánh giá năng lực: Xu thế tuyển sinh của các trường đại học Bình luận

Các trường đại học Quốc gia, đại học vùng và trường/nhóm trường đại học đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực để làm căn cứ xét tuyển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2022. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường ĐH, ngành học có mức cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.

Số thí sinh đăng ký thi tăng mạnh

Trên thực tế, từ nhiều năm qua, một số trường ĐH đã thực hiện điều này, như Trường ĐH Việt Đức với kỳ thi TestAS, Trường ĐH FPT với các kỳ thi sơ tuyển hoặc kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Trường ĐH Luật TP HCM (2016-2019), ĐHQG Hà Nội (2015-2017), ĐHQG TP HCM (từ năm 2018 đến nay)…

Thi đánh giá năng lực: Xu thế tuyển sinh của các trường ĐH - Ảnh 1.

Nguồn: ĐHQG TP HCM

Từ năm 2020, kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM đã trở thành phương thức quan trọng thứ 3 sau 2 phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT và dựa vào học bạ THPT, được nhiều trường ĐH sử dụng làm phương thức xét tuyển và nhiều thí sinh dự thi để lấy kết quả xét tuyển. Đâu là những yếu tố quan trọng làm cho kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM trở thành xu thế chọn lựa của các trường ĐH và thí sinh?

Trước hết, kỳ thi tổ chức nhiều cụm, tạo điều kiện cho thí sinh ở nhiều địa phương tham dự. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP HCM với các kỳ thi riêng của những trường ĐH khác. Điều này rất quan trọng, nhất là khi thí sinh làm bài trên giấy, tạo điều kiện thuận lợi cho các em không phải di chuyển quá xa khi dự thi. Số tỉnh, thành phố có học sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐGNL tăng dần hằng năm (năm 2019 có 43 tỉnh, thành phố; năm 2020 là 53 và năm 2021 là 56; năm 2019 chỉ có 29 tỉnh, thành phố có hơn 100 thí sinh ĐKDT, đến năm 2020 con số này tăng lên 33 và năm 2021 là 34).

Một đặc điểm lớn của kỳ thi ĐGNL ĐHQG TP HCM mà không kỳ thi nào có được là số lượng và tỉ lệ học sinh các trường chuyên và trường THPT lớn tại các địa phương tham gia rất cao. Năm 2019, 888 trường THPT có học sinh ĐKDT, năm 2020 là 1.237 trường và năm 2021 là 1.398 trường, trong đó 217 trường THPT có hơn 100 học sinh ĐKDT (năm 2020 chỉ có 134 trường). Khoảng 80 trường THPT có số học sinh ĐKDT ĐGNL chiếm từ 50% tổng số học sinh của trường.

Chính điều này bảo đảm chất lượng đầu vào khá tốt cho nguồn tuyển của các trường ĐH. Nhiều tỉnh, thành có tỉ lệ học sinh ĐKDT chiếm hơn 25% học sinh của địa phương như TP HCM, Bình Dương…

Nhiều trường lấy kết quả để tuyển sinh

Số lượng trường ĐH (và cả CĐ) sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL tăng hằng năm (2019: 40 trường ĐH, CĐ; năm 2020: hơn 60 trường; năm 2021: khoảng 70 trường).

Nhiều trường ĐH công lập lớn cũng xét tuyển thí sinh theo kết quả kỳ thi ĐGNL như: Ngoại thương, Kinh tế TP HCM, Nông Lâm TP HCM, Công nghiệp TP HCM, các trường thành viên ĐH Đà Nẵng… Một số trường ĐH ngoài ĐHQG TP HCM cũng dành tỉ lệ chỉ tiêu khá lớn cho xét tuyển theo kết quả thi ĐGNL, như Trường ĐH Nha Trang (25%), Trường ĐH Tài chính – Marketing (15%)…

Các trường thành viên ĐHQG TP HCM cũng tăng dần tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi ĐGNL. Năm 2021, Trường ĐH Bách khoa xét tuyển đến 70% chỉ tiêu; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên 60%; Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Kinh tế – Luật, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn 50%.

Tuy nhiên, năm 2020, ngay trước khi kỳ thi ĐGNL diễn ra, hàng loạt trường ĐH đã phải hủy do các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quá muộn, thậm chí cả khi thí sinh đã ĐKDT. Định hướng này cần được khẳng định sớm bằng văn bản và các quy định rõ ràng để các trường tổ chức kỳ thi ĐGNL có sự chuẩn bị tốt nhất.

Nguồn: Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *