Phương án tuyển sinh các trường đại học trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM Bình luận

Hiện đã có 8 trường, khoa, thuộc Đại học Quốc gia TP HCM đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2021 với khoảng 20.000 chỉ tiêu và hàng loạt ngành mới.

Phương án tuyển sinh các trường đại học trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM

Khoa Y (Đại học Quốc gia)

Khoa công bố phương án tuyển sinh dự kiến với 330 chỉ tiêu ở các ngành chất lượng cao: Y đa khoa 100 chỉ tiêu, Dược học 50 chỉ tiêu, Răng hàm mặt 50 chỉ tiêu. Khoa dự kiến tuyển ngành mới Y học cổ truyền chất lượng cao với 55 chỉ tiêu và Điều dưỡng 70 chỉ tiêu.

Năm nay, khoa Y áp dụng 7 phương thức: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi theo quy định của Đại học Quốc gia; dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia tổ chức; xét kết quả kỳ thi THPT; xét kết quả thi THPT kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; dựa vào kết quả các kỳ thi quốc tế; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp đại học các ngành gần.

Đại học Kinh tế – Luật

Trường tuyển sinh với 5 phương thức, trong đó đa dạng hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Năm nay, trường mở rộng thêm diện tuyển thẳng là những thí sinh giỏi nhất của các trường THPT, tăng cường thêm 5 chương trình đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Anh.

Phương thứcChỉ tiêu tối đaĐiều kiện
Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.5%Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT.
Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP HCM.15%Học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu, các trường do Đại học Quốc gia TP HCM phê+ duyệt.
Xét kết quả thi THPT.30-60%Theo công tác xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM.50%Thí sinh phải dự thi và có kết quả thi kỳ kiểm tra đánh giá năng lực.
Xét kết quả học THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với học sinh Việt Nam và học sinh có quốc tịch nước ngoài (học chương trình THPT quốc tế bằng tiếng Anh hoặc chương trình THPT trong nước).– 20% với chương trình chất lượng cao- 50% với chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, tăng cường tiếng Pháp.– Điểm trung bình học tập THPT từ 7 (thang điểm 10) hoặc 2,5 (thang điểm 4); từ 8 (thang điểm 12).- Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc ACT từ 25 điểm hoặc SAT từ 1100 điểm trở lên. Chứng chỉ tiếng Pháp từ tương đương DELF B1 trở lên hoặc tham gia thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp (xét tuyển với chương trình Chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp).

Đại học Khoa học Tự nhiên

Trường năm nay tuyển 3.600 chỉ tiêu với 5 phương thức. Ngoài xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo chiếm khoảng 4% chỉ tiêu, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia chiếm 4%, trường còn dành tối đa 1% chỉ tiêu cho thí sinh người Việt Nam học trường nước ngoài tại Việt Nam và thí sinh người nước ngoài học THPT nước ngoài.

Hai phương thức truyền thống chiếm chỉ tiêu lớn nhất là xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 15-55%; kết quả đánh giá năng lực Đại học Quốc gia 30-60%.

Đại học Quốc tế


Trường dự kiến tuyển 3.110 chỉ tiêu, trong đó có 1.860 chỉ tiêu do trường cấp bằng, còn lại là chương trình liên kết quốc tế. Năm nay, trường mở thêm 2 ngành mới là Khoa học máy tính và Quản lý xây dựng.

Trường có 6 phương thức tuyển sinh, trong đó 4 phương thức giống các trường khác gồm: xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia 40-60% tổng chỉ tiêu; ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi theo quy định của Đại học Quốc gia 5-15%; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo 1%, xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia 10-30%.

Hai phương thức riêng của trường này gồm: xét tuyển dựa trên kỳ thi kiểm tra năng lực do Đại học Quốc tế tổ chức 20-50%; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc tốt nghiệp THPT nước ngoài 5-10%.

Đại học Công nghệ Thông tin

Trường dự kiến tuyển sinh 22 chương trình đào tạo với 6 phương thức. Bốn phương thức truyền thống gồm: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tối đa 5% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển theo quy định Đại học Quốc gia (tối đa 18%); kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia (tối đa 50%); kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (tối thiểu 25%).

Trường sử dụng 4 tổ hợp môn xét tuyển: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Anh); D01 (Toán, Văn, Anh); D07 (Toán, Hóa, Anh). Riêng ngành Công nghệ thông tin (chất lượng cao định hướng Nhật Bản) xét tuyển thêm tổ hợp D06 (Anh, Toán, tiếng Nhật); ngành Hệ thống thông tin (chương trình tiên tiến) không xét tuyển tổ hợp A00.

Đại học An Giang

Trường tuyển 2.605 chỉ tiêu với 36 ngành. Trong đó, 10 ngành sư phạm gồm: Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Giáo dục chính trị, Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý và Sư phạm Tiếng Anh.

Các ngành còn lại thuộc nhóm Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Công nghệ và Nông nghiệp. Ba ngành mới dự kiến tuyển sinh trong năm nay gồm Văn hoá học, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Thú y và Công nghệ sau thu hoạch.

Đại học này sử dụng 5 phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ưu tiên xét tuyển theo quy định Đại học Quốc gia; kết quả thi tốt nghiệp THPT; kết quả thi đánh giá năng lực; xét học bạ THPT.

Đại học Bách khoa

Trường công bố kế hoạch dự kiến tuyển 39 ngành với 5.000 chỉ tiêu, tương đương năm ngoái.

Nhóm ngành Kỹ thuật xây dựng; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, công trình thuỷ, công trình biển và nhóm Kỹ thuật điện, điện tử – viễn thông, điều khiển và tự động hoá có chỉ tiêu lớn nhất, trên 600 sinh viên mỗi nhóm. Các ngành, nhóm ngành còn lại có 50-200 chỉ tiêu.

Trường có 6 phương thức tuyển sinh, trong đó xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo 1-5% tổng chỉ tiêu, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP HCM 15-25%.

Hai phương thức có tỷ trọng lớn nhất gồm xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT 30-60%, xét điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia 30-70%. Ngoài ra, trường xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài 1-5%, xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn 1-5%.

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Trường tuyển 3.549 chỉ tiêu với 41 ngành, trong đó mở mới ngành Chính trị học và chương trình chất lượng cao Hàn Quốc học.

Phương án tuyển sinh năm 2021 được trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) công bố ngày 11/1 có tổng chỉ tiêu tăng 150 so với năm ngoái.

5 phương án tuyển sinh của trường là: ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia; xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài.

Trong đó, phương thức dựa vào kỳ thi THPT chiếm tối đa 70% tổng chỉ tiêu. Việc xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài là điểm mới năm nay nhằm tạo cơ hội cho thí sinh theo chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế khi Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trường dự kiến mở mới chương trình cử nhân Chính trị học và chương trình chất lượng cao ngành Hàn Quốc học. Chính trị học trước đó là một chuyên ngành thuộc ngành Triết học, bên cạnh các chương trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Khoa học chính trị… 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *