Những ngành nghề có nguy cơ “biến mất” trong tương lai Bình luận

Học ngành gì để không bị thất nghiệp, nhất là khi máy móc sẽ thay thế nhiều công đoạn của con người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, thí sinh dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 cần xác định được những ngành nghề sẽ trụ vững hay khả năng “biến mất” cao để có lựa chọn phù hợp.

Những ngành nghề có nguy cơ "biến mất" trong tương lai

Nhiều ngành truyền thống có nguy cơ biến mất

PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tự động hoá và số hoá sẽ rõ ràng hơn trong môi trường làm việc. Máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin đang nhanh chóng thâm nhập nơi làm việc trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank), chưa rõ tự động hóa sẽ ảnh hưởng khi nào và như thế nào đến tính chất, số lượng việc làm của Việt Nam, nhưng ước tính tỉ lệ mất việc làm do ứng dụng công nghệ ở Việt Nam sẽ là từ 10 đến 70%.

Một dự báo cũng cho rằng nhiều công việc sẽ bị thay thế bởi robot trong vòng 10 năm nữa. Chính vì thế, nghề nghiệp trong xã hội có rất nhiều chuyển biến so với trước đây.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, những ngành nghề có nguy cơ biến mất chiếm tới trên 90% như nhân viên tín dụng (98%), lễ tân (96%), tư vấn tài chính cá nhân (94%), lái xe taxi (92%).

Những ngành nghề như nấu đồ ăn nhanh, nhân viên pha chế rượu, tư vấn thông tin pháp lý… cũng có tỉ lệ từ 58 đến 77%. Đáng chú ý, nghề lập trình máy tính cũng có tới 40% nguy cơ sẽ mất việc.

Trong khi đó, một số ngành truyền thống ít chịu ảnh hưởng hơn như luật sư, ca sĩ…

Những nghề vẫn trụ vững trong tương lai

Những ngành nghề có nguy cơ "biến mất" trong tương lai

Còn PGS.TS Võ Trí Hảo – Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định nhận định, trước khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra thì người ta nhắc rất nhiều đến 4.0 và AI trí tuệ nhân tạo, 5G. Nếu không có dịch bệnh, tiến trình đó sẽ diễn ra trong vòng 10 đến 15 năm nhưng khi có COVID-19 xuất hiện sẽ rút ngắn khoảng thời gian chỉ còn 3 năm giống như đột nhiên tiến về tương lai nhanh hơn.

COVID-19 không tạo ra nhưng sẽ đẩy nhanh tiến trình của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Hảo, công nghệ, máy móc có thể thay thế được các chức năng thông thường của con người, tuy nhiên, bộ não sẽ không thể thay thế hoàn toàn.

Trong định hướng đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho rằng sẽ có 2 ngành nghề ít chịu tác động nhất bởi trí tuệ nhân tạo trong vòng 20 năm tới là ngành y và luật sư. Với ngành y, máy móc đã tham gia vào quá trình khám chữa bệnh rất nhiều nhưng để hội chẩn những chứng y học phức tạp hay sự can thiệp vào sức khoẻ con người thì vẫn rất cần đến con người trực tiếp tham gia vào cả quá trình.

Ngành thứ 2 là ngành luật, đây không phải là phép đo tính toán lợi thiệt, đúng sai mà đứng sau còn là văn hoá, các hệ giá trị khác nhau từ các dân tộc, đất nước nên khó lòng có thể dùng AI thay thế ngay được. Do đó, ngành luật sẽ chịu sự tác động chậm nhất trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những ngành nghề mới xuất hiện

Những ngành nghề có nguy cơ "biến mất" trong tương lai

Song song với sự biến mất hay trụ vững của các ngành nghề truyền thống, cũng có rất nhiều công việc mới chưa từng có trong hình dung của chúng ta sẽ xuất hiện.

Gần đây, trên thế giới cũng không ít những ngành nghề mới xuất hiện và ngày càng trở lên phổ biến hơn như chuyên gia phân tích đám mây, người sáng tạo nội dung trên Youtube, kỹ sư AI, lập trình ứng dụng, kỹ  thuật viên điện thoại di động, phân tích web, thiết kế thực tế ảo, nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia trải nghiệm người dùng…

Vì thế, theo các chuyên gia, muốn thành công và hạnh phúc trong tương lai, mỗi người chúng ta cần có một nghề phù hợp, có năng lực tự học để di chuyển nghề nghiệp, năng lực tự tạo việc làm trong môi trường hoàn cảnh sống biến đổi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *