Ngoài những kiến thức thuần túy mà bất cứ học sinh nào cũng cần phải nắm chắc trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần tham khảo những kỹ năng lưu ý trong khi làm bài thi nhằm tăng điểm số bài thi.
Những kỹ năng giúp đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Môn Văn viết đúng, viết đủ ý
Theo cô Phạm Thị Thanh Nga – Giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM): “Thời tiết tháng 7 không dễ chịu, không khí phòng chấm thi thường rất căng thẳng nên giám khảo sẽ dễ bực mình khi gặp phải những bài thi hoành tráng về số chữ nhưng mỏng manh về nội dung. Đã thế văn chương các em vừa lủng củng vừa rối rắm khiến người chấm cảm thấy “hại não” lẫn đau mắt. Một khi bài làm đã không gây thiện cảm với giám khảo thì điểm của bài cũng khó cao”.
Ở phần đọc hiểu, thí sinh tránh tình trạng vừa đọc vừa nhìn vào câu hỏi và trả lời song song. Thí sinh cần đọc một lượt văn bản để hiểu được nội dung đề cập đến vấn đề gì từ đó rút ra bài học gì, ý nghĩa gì. Khi thí sinh có cái nhìn tổng thể về nội dung sẽ đọc lần lượt các câu hỏi để biết vấn đề hỏi và trả lời lần lượt từng câu. Các câu sẽ bao gồm các mức độ:
Câu 1: Nếu đề bài là thơ sẽ hỏi về phương thức biểu đạt, hình ảnh, từ ngữ,…Nếu là ngữ liệu văn xuôi sẽ hỏi về thao tác lập luận, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ,…Thí sinh cần nắm chắc kiến thức Tiếng việt và làm văn.
Câu 2: Mức độ nhận biết thường sẽ có sẵn trong văn bản, thí sinh cần trích và liệt kê là xong
Câu 3: Mức độ thông hiểu, thí sinh cần vận dụng kiến thức và tư duy. Thí sinh phải đọc kỹ câu văn, câu thơ, đoạn văn, đoạn thơ để trả lời câu hỏi đoạn thơ (đoạn văn) phản ánh cái gì, có ý nghĩa ra sao.
Câu 4: Mức độ vận dụng cao, thí sinh cần bày tỏ quan điểm cá nhân một cách rõ ràng, mạch lạc, đưa được quan điểm của mình có đồng ý hay không, rút ra được thông điệp gì và chứng minh điều đó. Đặc biệt lưu ý, thí sinh phải trả lời bám sát nội dung văn bản, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Phần đọc hiểu thí sinh không trả lời lan man, đề hỏi gì thì cần trả lời đúng trọng tâm vào vấn đề đó, ngôn từ ngắn gọn, xúc tích.
Ở phần nghị luận xã hội, để viết được bài văn 200 chữ có chất lượng, thí sinh cần bám sát văn bản đọc hiểu. Thí sinh cần xác định được vấn đề nghị luận, tư duy và xâu chuỗi các vấn đề. Phần mở đầu nêu được vấn đề cần nghị luận, phần thân bài đưa ra các luận điểm và dẫn chứng thuyết phục, phần kết bài tổng kết lại vấn đề và rút ra bài học cho bản thân. Thí sinh lưu ý viết trọng tâm, tránh dài dòng và không đúng với câu lệnh của bài.
Ở phần nghị luận văn học, thí sinh xác đinh được câu lệnh đề bài yêu cầu từ đó xác định phương thức làm bài và phạm vi kiến thức. Thí sinh phải khai thác được yếu tố nội dung và nghệ thuật và thể hiện được quan điểm nhận thức để làm sáng tỏ yêu cầu bài đưa ra. Để bài văn có chiều sâu, thí sinh cần có sự so sánh vấn đề cùng chung một đề tài, trích dẫn các câu nói nhận định kinh điển của các nhà văn, nhà thơ.
Với môn Anh, hãy chọn phần thể mạnh để lấy 50% điểm
Đề thi môn Anh có 2 phần rõ nhất: phần 1 (50% số điểm) bao gồm: ngữ âm (phonetics) 4 câu, giao tiếp (speaking) 2 câu, ngữ pháp (grammar) 9 câu, từ vựng (vocabulary) 10 câu. Phần 2 (50% điểm) bao gồm: đọc hiểu (reading) 17 câu, viết (writing) 4 câu, tìm lỗi sai (error identification) 4 câu.
Theo thầy Phạm Hùng – Giáo viên trường THPT Marie Curie, thí sinh nên giải quyết phần thế mạnh của mình trước để lấy 50% số điểm, tùy vào năng lực mỗi thí sinh mà mỗi người có phần thế mạnh riêng.
Khi cầm đề thi thí sinh cần bao quát toàn bộ đề nhằm xác định các dạng bài, độ dài ngắn để phân bổ cho hợp lý. Hãy bắt đầu với những dạng bài mình tự tin nhất, câu khó có thể làm sau. Trong 4 đáp án, nếu các em phân vân các em được quyền bỏ qua đáp án mình thấy khó hiểu nhất hoặc chưa thấy bao giờ. Đối với mỗi dạng bài các em nên có chiến lược làm bài riêng.
Lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm
Làm bài thi trắc nghiệm có lẽ đã quá quen thuộc với các thí sinh, thế nhưng thí sinh không được chủ quan nhằm tránh không bị mất điểm hoặc hủy bài thi một cách đáng tiếc. Dưới đây là một số lưu ý thí sinh cần nắm rõ:
– Khi nhận phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh cần ngay lập tức điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống phía bên trên phiếu. Số báo danh ghi đủ phần số, kể cả các số 0 ở phía trước, điền chính xác mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi.
– Khi nhận đề thi, thí sinh kiểm tra các môn thi thành phần trong bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội có cùng một mã đề thi. Trong trường hợp không cùng mã đề thí sinh báo với cán bộ coi thi chậm nhất 5 phút từ thời điểm phát đề, phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, không được xem nội dung đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép.
– Thí sinh chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời. Trường hợp tô nhầm hoặc muốn đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ rồi tô vào ô mà mình lựa chọn.
– Thí sinh kiểm tra đề thi đã đủ số lượng câu hỏi, số trang như đã ghi trong đề và đều cùng một mã đề.
– Thí sinh tô đậm, đủ hình tròn đáp án tránh tô mờ hoặc tẩy xóa không kỹ khiến hệ thống khó nhận diện đáp án.
– Thí sinh không được nộp bài sớm, chỉ được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài. Khi hết giờ, các em phải nộp phiếu trả lời cho cán bộ coi thi và ký tên vào 2 phiếu thu bài thi.
– Thí sinh chỉ được rời khỏi phòng sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng thi và cho phép rời đi.
Mong rằng với những kỹ năng trên, các em có thể áp dụng thành công và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.