Theo lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường dự kiến sẽ chuyển toàn bộ chỉ tiêu cho các ngành có tính cạnh tranh cao sang phương thức xét tuyển dựa trên bài thi Đánh giá tư duy vào các năm tới.
Ngày 15/7, kỳ thi Đánh giá tư duy đã chính thức diễn ra với sự tham dự của hơn 7.100 thí sinh. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường đã xây dựng ngân hàng câu hỏi và thực hiện công tác chuẩn bị cho kỳ thi từ năm 2020. Đề thi có độ phân hóa cao hơn đề thi tốt nghiệp THPT, tỉ lệ câu hỏi thông hiểu chỉ chiếm 20% (rất thấp so với mức 50-60% của đề tốt nghiệp THPT) và tập trung phân lớn cho câu hỏi vận dụng, vận dụng sáng tạo.
Trong các năm tới, trường dự kiến chỉ dành 20-30% cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh không thể tiếp cận với kỳ thi Đánh giá tư duy.
Tuy nhiên, những nhóm ngành mang tính cạnh tranh cao như Tự động hóa, Công nghệ thông tin, trường dự kiến sẽ không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó, khả năng cao trường sẽ dành 100% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi Đánh giá tư duy. Trường cần lựa chọn nguồn thí sinh chất lượng, nhất là ở các ngành khó và có tỷ lệ đào thải cao.
Nhìn lại đề án tuyển sinh năm 2022, dù vẫn duy trì 3 phương thức tuyển sinh, tuy nhiên trường cũng không dành chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với các ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến), Công nghệ thông tin (Global ICT và Việt – Pháp), An toàn không gian số (chương trình tiên tiến).
Tới thời điểm này, đã có khoảng 20 trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐHBKHN cho mục tiêu xét tuyển đại học chính quy. Kỳ thi này sẽ rất hữu ích trong việc tuyển sinh ở các trường đại học, đặc biệt là trong nhóm trường công nghệ, kỹ thuật.