Với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, góp phần tuyển chọn được những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo, từ năm 2018, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL). Kết quả của kỳ thi được sử dụng như một trong những phương thức để xét tuyển vào các trường đại học trong hệ thống ĐHQG-HCM. Đến nay đã có khoảng gần 70 trường đăng ký lấy kết quả này để tuyển sinh đầu vào cho năm nay.
Trong phương án tuyển sinh dự kiến của nhiều đại học, phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia đều tăng, như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn dành tối đa 50% chỉ tiêu cho phương thức này, Đại học Bách khoa dành tối đa 70%.
Vừa qua, đợt 1 kỳ thi diễn ra vào ngày Chủ Nhật (28/3), tại đồng thời 7 địa phương gồm: TP. HCM, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu, Nha Trang, Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột.
Sáng 5/4 trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố điểm thi ĐGNL, trong đó có hơn 2.700 người trong tổng số 68.000 thí sinh đạt trên 900 điểm (thang điểm 1.200)
Các trường đại học công bố nhận hồ sơ với điểm sàn 650 (thang 1.200), thấp nhất là 600.
Chiều 12/4, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Nha Trang cho biết trường chốt điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn) phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực 650 cho tất cả ngành.
Năm nay, trường tuyển 3.500 chỉ tiêu ở 36 ngành với 4 phương thức: xét điểm thi THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức điểm thi đánh giá năng lực là 650 cho tất cả ngành, trừ Dược học lấy 725. Điểm xét tuyển là tổng điểm bài thi đánh giá năng lực và cộng điểm ưu tiên, khu vực được quy đổi theo quy định.
Riêng các ngành có tổ hợp xét tuyển môn Năng khiếu (Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thanh nhạc), thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực đạt từ ngưỡng điểm xét tuyển trên phải dự thi năng khiếu và đạt mức điểm theo quy định. Thí sinh có thể dùng kết quả thi năng khiếu do trường này tổ chức hoặc lấy kết quả thi từ trường khác để tham gia xét tuyển.
Năm nay, Đại học Công nghệ TP HCM tuyển 6.600 chỉ tiêu, 50 ngành theo 4 phương thức xét tuyển độc lập. Các phương thức gồm: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM; xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn lớp 12; xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12).
Đại học Kinh tế – Tài chính TP HCM cũng xác định mức điểm sàn nhận hồ sơ của phương thức này ở 29 ngành đào tạo là 650 điểm. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường là 3.435.
Trường có 4 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 65% tổng chỉ tiêu; xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực 5%; còn lại xét học bạ (học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn hoặc học bạ 5 học kỳ THPT, trừ học kỳ II lớp 12).
Đại học Quốc tế Sài Gòn với 20 chuyên ngành, lấy mức sàn 600-650 điểm tuỳ ngành với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Ngoài phương thức trên, đại học này còn xét tuyển bằng các phương thức: xét kết quả kỳ thi THPT, xét tuyển học bạ lớp 12 và xét tuyển học bạ bằng kết quả 5 học kỳ (hai học kỳ lớp 10, hai học kỳ lớp 11 và học kỳ một lớp 12).
Đại học Nguyễn Tất Thành lấy mức điểm sàn 600 cho hơn 40 ngành tuyển sinh trong năm nay, trừ các ngành khối sức khoẻ.
Đại học Công nghiệp TP HCM lấy hai mức sàn: 650 cho tất cả ngành đào tạo ở cơ sở chính TP HCM; mức 600 cho các ngành ở phân hiệu Quảng Ngãi.
Hiện, mức điểm sàn xét điểm thi đánh giá năng lực cao nhất được ghi nhận ở trường Đại học Ngân hàng TP HCM với 700 điểm. Trường còn yêu cầu thí sinh đăng ký xét tuyển có điểm trung bình học tập hai học kỳ lớp 11 và học kỳ một lớp 12 từ 6,5 trở lên.
Năm nay trường này tuyển 3.280 chỉ tiêu, trong đó dành 330 chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức.