UBND TP đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc lùi thời gian thi lớp 10 và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2021-2022 để tạo thuận lợi cho học sinh, đồng thời phù hợp với lịch thi tốt nghiệp THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Ngày 9/4, UBND TP Hà Nội có công văn gửi Sở GD-ĐT Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã về việc điều chỉnh thời gian tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, thi và tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Theo đó, lịch thi lớp 10 Hà Nội sẽ lùi 12 ngày.
Cụ thể: Ngày 10/6: buổi sáng thi môn ngữ văn, buổi chiều thi môn toán.
Ngày 11/6: buổi sáng thi ngoại ngữ, lịch sử; buổi chiều bắt đầu thi các môn chuyên, gồm văn, toán, tin, sinh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn (và các tiếng thi thay thế tương ứng với môn chuyên thí sinh đăng ký).
Ngày 12/6: buổi sáng thi các môn chuyên vật lý, lịch sử, địa lý; buổi chiều thi các môn chuyên hóa học, tiếng Anh.
Ngày 13/6 thi các môn tuyển sinh cho chương trình song bằng: buổi sáng thi toán bằng tiếng Anh, vật lý bằng tiếng Anh; buổi chiều tiếng Anh (bài thi viết luận), hóa học bằng tiếng Anh.
Ngày 14/6 tiếp tục thi môn tiếng Anh (bài thi nói) chương trình song bằng.
Phải có hộ khẩu Hà Nội khi đăng ký thi trường công
Tại kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) năm học 2021 – 2022 ban hành kèm Quyết định số 839/QĐ-UBND nêu rõ, điều kiện dự tuyển vào trường THPT công lập không chuyên là học sinh hoặc bố (mẹ) của học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Năm trước, tại kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm 2020, không có yêu cầu bắt buộc học sinh hoặc phụ huynh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội khi đăng ký thi trường THPT công lập không chuyên. Tuy nhiên, đến năm nay, điều kiện về có hộ khẩu Hà Nội để đăng ký dự thi vào lớp 10 là bắt buộc.
Học sinh phải thi 4 môn
Năm ngoái, học sinh thi vào các trường THPT công lập tại Hà Nội chỉ thi 03 môn là: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Tuy nhiên năm nay, theo kế hoạch tuyển sinh năm 2021, học sinh dự thi các trường THPT công lập không chuyên sẽ tổ chức 04 bài thi độc lập, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư, trong đó bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lí.
Cụ thể, tháng 3/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa thông báo môn thi thứ tư sẽ là môn Lịch sử.
Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở).
Hình thức thi
Các bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi.
Bài thi môn Ngoại ngữ và bài thi môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc: 02 thí sinh liền kề không trùng mã đề; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.
Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi đăng ký
Lưu ý: nếu thí sinh chỉ có NV thi chuyên (không có NV đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên) thì không phải dự thi môn thứ tư vào sáng ngày 30/5/2021.
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3, trong đó NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú, NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Đồng thời, học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Toàn thành phố sẽ được chia thành 12 khu vực theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã. Như các năm trước, mỗi khu vực tuyển sinh gồm nhiều trường trung học phổ thông đóng trên địa bàn một số quận, huyện có vị trí địa lý gần nhau. Cụ thể:
– Khu vực tuyển sinh 1 gồm các quận: Ba Đình, Tây Hồ.
– Khu vực tuyển sinh 2 gồm các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.
– Khu vực tuyển sinh 3 gồm các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy.
– Khu vực tuyển sinh 4 gồm quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.
– Khu vực tuyển sinh 5 gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
– Khu vực tuyển sinh 6 gồm các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
– Khu vực tuyển sinh 7 gồm các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng.
– Khu vực tuyển sinh 8 gồm các huyện: Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây.
– Khu vực tuyển sinh 9 gồm các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai.
– Khu vực tuyển sinh 10 gồm quận Hà Đông và các huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai.
– Khu vực tuyển sinh 11 gồm các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên.
– Khu vực tuyển sinh 12 gồm các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Cách tính điểm và nguyên tắc xét tuyển theo nguyên vọng
Học sinh sẽ được tính điểm xét tuyển theo công thức:
Điểm xét tuyển = (Điểm bài thi môn Toán + Điểm bài thi môn Ngữ văn)x2 + (Điểm bài thi môn Ngoại ngữ + Điểm bài thi môn thứ tư) + Điểm ưu tiên
Trong đó:
– Điểm bài thi của các môn tính theo thang điểm 10,0.
– Căn cứ vào diện ưu tiên của học sinh theo Quy chế tuyển sinh để xác định điểm ưu tiên.
– Tuyển những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, lấy theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu.
– Chỉ xét tuyển đối với học sinh có đủ bài thi theo quy định, không vi phạm Quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi, không có bài thi bị điểm 0 (không).
Nguyên tắc xét tuyển
– Học sinh trúng tuyển NV1 không được xét tuyển NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV 1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm.
– Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm.
– Khi hạ điểm chuẩn cho phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Trên đây là 5 điều cần lưu ý về tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm 2021 – 2022. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.