Kế toán có vai trò quan trọng không chỉ trong nội bộ doanh nghiệp mà còn tác động tới cả cổ động, ngân hàng cho vay vốn, cơ quan quản lý nhà nước.
Kế toán – hiểu theo cách đơn giản như “đan rổ”
Trong quá trình hoạt động của một công ty, một doanh nghiệp, bạn có thể hình dung là có rất nhiều giao dịch tài chính được thực hiện như: mua hàng, bán hàng, trả lương cho người lao động, vay vốn, sản xuất,…
Những giao dịch trên làm biến đổi tài sản mà doanh nghiệp đang có. Nhiệm vụ của kế toán là ghi chép, kiểm tra những thay đổi này thông qua những con số, từ đó cung cấp thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp một cách toàn diện và có hệ thống.
– Với người trong doanh nghiệp, kế toán giúp họ có thông tin chính xác để đưa ra điều chỉnh liên quan đến công việc kinh doanh.
– Với người ngoài doanh nghiệp, kế toán giúp họ đưa ra những quyết định phù hợp với mục tiêu mà họ quan tâm (chẳng hạn như có nên đầu tư vào doanh nghiệp này hay không).
Chỉ cần đọc báo cáo tài chính được tạo ra bởi kế toán viên, bạn đã nắm được tình hình hoạt động và hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp rồi. Đơn giản bởi kế toán giải đáp các câu hỏi: Doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nào? Giá bán như thế nào? Doanh nghiệp kinh doanh lãi hay lỗ? Tài sản của doanh nghiệp còn lại là bao nhiêu?
Vậy mới nói kế toán là ngôn ngữ của kinh doanh – quan niệm này quả không sai chút nào!
Các loại hình kế toán
Phải chăng kế toán chỉ là công việc của sổ sách và máy tính Casio? Trên thực tế có rất nhiều loại hình kế toán và điểm chung duy nhất chỉ là kéo dài 8 tiếng mỗi ngày. Chúng ta có thể “đào sâu” về ngành kế toán theo hai hướng:
1. Theo chức năng cung cấp thông tin
– Kế toán tài chính:
+ Cung cấp thông tin cho ngân hàng, nhà đầu tư, chính phủ…
+ Phản ánh những giao dịch tài chính đã phát sinh trong quá khứ
+ Mang tính pháp lệnh.
– Kế toán quản trị
+ Phục vụ những người trong nội bộ doanh nghiệp để hoạch định các chiến lược, chính sách tài chính.
+ Thông tin hướng đến tương lai, bao gồm cả thông tin tài chính lẫn thông tin phi tài chính.
+ Thông tin chỉ lưu hành trong nội bộ doanh nghiệp.
2. Theo hướng nghề nghiệp
– Kế toán công: Cung cấp các dịch vụ như kiểm toán, thuế, tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp.
– Kế toán quản trị: Quản lý hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, quản lý rủi ro, dự thảo ngân sách doanh nghiệp, kiểm toán nội bộ.
– Kế toán chính phủ: Thanh tra, cán bộ trong các cơ quan bộ, sở trực thuộc nhà nước.
Tố chất để theo đuổi ngành kế toán
Thích học Toán cùng những môn sử dụng kiến thức toán học
Kế toán là ngành học liên quan đến những con số, phải thực hiện tính toán rất nhiều. Nếu các không thích Toán và các môn sử dụng kiến thức toán học thì làm sao bạn có thể theo đuổi ngành học như Kế toán?
Việc học tốt môn toán giúp bạn có tư duy logic, nhanh nhạy hơn. Điều này vô cùng hữu ích cho những người làm các công việc liên quan tới con số như ngành Kế toán. Học giỏi toán thì việc làm chứng từ, sổ sách trong kế toán sẽ trở nên đơn giản, chính xác và nhanh chóng hơn.
Bạn sẽ gặp lại kiến thức lớp 10, 11 với môn xác suất thống kê (dĩ nhiên là ở cấp độ khó hơn), và đặc biệt phải học Toán cao cấp. Nắm chắc kiến thức hai môn học này là nền tảng để bạn học tốt kiến thức ngành Kế toán.
Tính cẩn thận
Một trong những tố chất cần có để học ngành Kế toán đó là sự cẩn thận. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất của một người học ngành Kế toán nói chung.
Một kế toán viên phải thường xuyên làm việc với sổ sách, chứng từ – những thứ phản ánh được tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của công ty. Mỗi “con số” đều mang tính pháp lý và có liên quan tới pháp luật. Bởi thế, cẩn thận là điều bắt buộc phải có khi làm sổ sách, thống kê, báo cáo và giữ gìn các sổ sách, chứng từ.
Sự tỉ mỉ, chu đáo khi học và hành nghề Kế toán rất quan trọng. Có thể bạn chưa biết: Mỗi một chi tiết, một con số, một nghiệp vụ hay quá trình đều cần phải thực hiện cẩn thận bởi chỉ một sai lầm nhỏ là đủ để gây ra những hậu quả khó lường.
Trung thực và ham học hỏi
Kế toán chính là người nắm rõ nhất tình hình hoạt động của công ty. Họ được trực tiếp tiếp xúc với sổ sách, chứng từ, tài chính. Hãy tưởng tượng: nếu như kế toán gian dối thì rất dễ xảy ra tình trạng thất thoát, biển thủ, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy, một trong những tố chất cần có để học ngành Kế toán chính là sự trung thực.
Người theo học kế toán phải liên tục học hỏi những người đi trước, tìm kiếm thêm tài liệu về chuyên ngành để nâng cao kỹ năng và có thêm kinh nghiệm.
Có đam mê
Cảnh báo: Khi mới học kế toán, bạn sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thử thách, nếu không yêu nghề thì rất dễ bỏ cuộc.
Những công việc như thu nhập chứng từ, ghi sổ, làm báo cáo, thống kê,…đòi hỏi bạn phải có khả năng quan sát tốt, linh hoạt, làm việc cẩn thận, tỉ mỉ. Nếu các bạn là người thích bay nhảy, muốn được giao tiếp nhiều, vi vu mọi nơi thì nên cân nhắc trước khi chọn theo học ngành này.
Học kế toán ra trường làm việc gì?
Học ngành Kế toán thì…làm kế toán – câu trả lời chuẩn nhưng vẫn phải chỉnh lại! Trái với suy nghĩ của nhiều bạn, công việc Kế toán thực ra vô cùng đa dạng, phong phú.
Công việc của một kế toán viên:
– Chuẩn bị số liệu kế toán về tài sản, công nợ, vốn thông qua tổng hợp và phân tích dữ liệu kế toán.
– Lập văn bản giao dịch tài chính bằng việc nhập dữ liệu kế toán.
– Tóm tắt tình trạng tài chính hiện tại, chuẩn bị Bảng Cân đối kế toán, báo cáo lợi nhuận – tổn thất và các loại báo cáo khác.
– Duy trì kiểm soát về kế toán bằng cách chuẩn bị và đưa ra lời khuyên về các chính sách và quy trình.
– Đối chiếu các báo cáo tài chính thông qua thu thập, phân tích và tổng hợp các dữ liệu và xu hướng.
– Đảm bảo tính bảo mật thông tin khách hàng bằng cách bảo mật các dữ liệu tài chính.
Nhìn chung, công việc của một kế toán viên truyền thống chỉ xoay quanh việc giữ sổ sách, ghi chép lại cẩn thận các giao dịch tài chính và kê khai thuế; trái lại một ngày làm việc của kế toán viên công sẽ đa dạng hơn rất nhiều.
Nhận định
Ngành kế toán hiện nay thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp hiện nay không đáp ứng được yêu cầu về kiến thức chuyên môn hoặc trình độ công nghệ thông tin, thậm chí là cả kỹ năng mềm
Do đó, Kế toán vẫn là một ngành khát nhân lực chất lượng cao. Những bạn trẻ có đủ trình độ chuyên môn, kiến thức công nghệ, kỹ năng mềm và ngoại ngữ tốt vẫn sẽ được các nhà tuyển dụng săn đón.