Bên cạnh những cái tên nổi bật như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại Thương… Đại học Thương Mại được xếp vào nhóm 5 trường có chương trình đào tạo tốt nhất trong các khối ngành Kinh tế.
Trường Đại học Thương Mại có những gì?
1. Diện tích, cơ sở vật chất
Đại học Thương Mại là một trong những ngôi trường được đánh giá cao về chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, trường còn thu hút sinh viên trên cả nước nhờ đội ngũ giảng viên và một số điểm nổi bật khác.
Đại học Thương Mại (ký hiệu: TMU) được thành lập năm 1960 với tiền thân là Trường Thương nghiệp Trung Ương. Đây là trường đại học công lập được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo kiểm định với tỷ lệ các tiêu chí lên đến 85,2%.
Website: https://tmu.edu.vn
Địa chỉ:
- Cơ sở Hà Nội: Số 79 đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
- Cơ sở Hà Nam: Đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Đại học Thương Mại có trụ sở chính tọa lạc tại số 79 Hồ Tùng Mậu, P. Mai Dịch, Cầu Giấy với tổng diện tích 84.000 m2, là một trong những cơ sở đào tạo hệ công lập sở hữu khuôn viên đẹp nhất thành phố Hà Nội.
Sinh viên nơi đây vẫn thường nói đùa với nhau rằng: “Thời tiết có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông thì Thương Mại có chục mùa quả và vài chục mùa hoa”, từ đó có thể thấy tại Đại học Thương Mại được trồng rất nhiều cây xanh và hoa. Điều này đối với những “thánh sống ảo” thì quả là lợi thế để các bạn tác nghiệp và cho ra những sản phẩm “chất phát ngất”.
Ngoài ra, nói đến Trường Đại học Thương Mại, chúng ta cũng không thể bỏ qua hệ thống cơ sở vật chất bao gồm 5 giảng đường, mỗi giảng đường được xây dựng từ 2-3 tầng, các phòng học được bố trí khoảng 60 chỗ ngồi/phòng nhằm phục vụ cho quá trình dạy – học của giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó, tại khu vực nhà H còn có hội trường với sức chứa lên đến 1.000 chỗ ngồi dùng để tổ chức hội thảo và sự kiện.
Hơn thế nữa, ngoài thời gian học chính, sinh viên có thể tự học, làm bài tập nhóm tại các phòng thảo luận thuộc nhà C, D và V. Tất cả các phòng ở đây đều được trang bị hệ thống máy chiếu, quạt điện và quạt trần, một số khác còn được lắp đặt thêm hệ thống điều hòa nhiệt độ. Chưa dừng lại ở đó, nhằm tạo điều kiện tối đa cho sinh viên, Đại học Thương Mại cũng cho xây dựng thư viện, ký túc xá và nhiều phòng thí nghiệm phục vụ cho những giờ học thực hành.
2. Đội ngũ giảng viên
Đối với sinh viên, chắc hẳn ai cũng có mong muốn theo học tại ngôi trường có đội ngũ giáo viên với chất lượng giảng dạy tốt. Bởi lẽ, họ là những “người lái đò” sẽ theo sát và cung cấp kiến thức giúp các bạn vượt qua những kỳ thi cam go suốt 4 năm đại học. Hơn thế nữa, những bài giảng, kinh nghiệm mà các thầy, cô truyền dạy sẽ là hành trang phục vụ cho công việc sau này của mọi người.
Để đáp ứng điều đó, Đại học Thương Mại thông qua những kỳ thi tuyển đã trở thành điểm quy tụ của gần 600 giảng viên, trong đó có 3 giáo sư, 46 phó giáo sư, 61 tiến sĩ, 406 thạc sĩ Việt Nam đã từng học tập, nghiên cứu tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Pháp… và 69 giáo sư, phó giáo sư thỉnh giảng người nước ngoài.
Đặc biệt, đội ngũ giảng viên của trường đều rất thân thiện và “hiện đại”, khi các bạn có vấn đề vướng mắc có thể liên hệ trực tiếp với các thầy, cô qua Facebook cá nhân để được giải đáp ngay lập tức.
3. Hoạt động liên kết quốc tế
Nói đến những hoạt động liên kết quốc tế thì Đại học Thương Mại được nhiều người nhận xét là “điểm sáng” trong lĩnh vực này. Đến với TMU, sinh có cơ hội học tập tại các nước như Hà Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… thông qua các chương trình học bổng của nhà trường trao tặng hoặc những đợt trao đổi du học sinh do khoa Đào tạo Quốc tế liên kết với các trường đại học nổi tiếng như Quebec (Canada), Solbridge (Hàn Quốc)… thực hiện.
Ngoài ra, Đại học Thương Mại còn cho mời rất nhiều giảng viên là người nước ngoài tham gia giảng dạy trực tiếp tại trường. Trải qua những hoạt động này, các bạn sinh viên sẽ “thu về” được những kiến thức bổ ích cũng như hiểu thêm về nền văn hóa các nước. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các bạn trang bị cho bản thân vốn tiếng Anh vững chắc để phục vụ cho quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm về sau.
4. Hoạt động ngoại khóa
Khi lựa chọn trường đại học, một trong những tiêu chí mà nhiều bạn quan tâm chính là các hoạt động ngoại khóa. Theo thống kê, Trường Đại học Thương Mại có tổng cộng 18 câu lạc bộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như học tập, truyền thông, tiếng Anh, tình nguyện… Vì vậy, khi trở thành sinh viên của TMU, các bạn không cần lo lắng sẽ phải trải qua cuộc sống nhàm chán suốt 4 năm mà thay vào đó sẽ được thỏa sức thể hiện mình cùng những đội, nhóm tại đây.
Đại học Thương Mại đào tạo những ngành gì?
- Ngành Kinh tế: Chuyên ngành Quản lý kinh tế
- Ngành Kế toán-Kiểm toán: Chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp; Chuyên ngành Kiểm toán; Chuyên ngành Kế toán công
- Ngành Quản trị nhân lực: Chuyên ngành Quản trị nhân lực doanh nghiệp
- Ngành Thương mại điện tử: Chuyên ngành Quản trị Thương mại điện tử
- Ngành Logistics và quản trị chuỗi cung ứng.
- Ngành Hệ thống thông tin quản lý: Chuyên ngành Quản trị hệ thống thông tin
- Ngành Quản trị kinh doanh: Chuyên ngành Quản trị kinh doanh; Chuyên ngành Tiếng Pháp thương mại; Chuyên ngành Tiếng Trung thương mại
- Ngành Quản trị khách sạn: Chuyên ngành Quản trị khách sạn
- Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành: Chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành
- Ngành Marketing: Chuyên ngành Marketing thương mại; Chuyên ngành Quản trị thương hiệu
- Ngành Luật kinh tế: Chuyên ngành Luật Kinh tế
- Ngành Tài chính – Ngân hàng: Chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng thương mại; Chuyên ngành Tài chính công
- Ngành Kinh doanh quốc tế: Chuyên ngành Thương mại quốc tế
- Ngành Kinh tế quốc tế: Chuyên ngành Kinh tế quốc tế
- Ngành Ngôn ngữ Anh: Chuyên ngành Tiếng Anh thương mại
Học phí Trường Đại học Thương Mại qua từng năm
Học phí Trường Đại học Thương Mại được xếp ở mức trung bình so với những cơ sở đào tạo công lập khác. Tuy nhiên, căn cứ vào ngành học cũng như hệ đào tạo, trường sẽ đưa ra những mức thu cụ thể khác nhau.
Năm 2016-2017, trung bình mỗi sinh viên sẽ phải đóng 13 triệu VNĐ/năm. Thế nhưng bắt đầu từ năm học 2017-2018, theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì học phí các trường sẽ tăng lên 10% mỗi năm. Tức là trong 2018, sinh viên Đại học Thương Mại sẽ đóng 14,3 triệu VNĐ/năm và tính đến nay, mức thu của trường “cán mốc” 15 triệu VNĐ/năm/sinh viên.
Cảm nhận của sinh viên về Đại học Thương Mại
Bạn Đăng Nguyễn chia sẻ: “Xét về ưu điểm, khuôn viên trường rộng lớn, cảnh quan đẹp thích hợp cho việc học tập và giải trí, giảng viên có những bài giảng hay, cách giảng dạy dễ hiểu, phù hợp với nhiều loại học sinh. Điều mình chưa được thích ở trường chính là việc học hơi khó so với các trường khác, tuy nhiên lại có nhiều kiến thức rất hay và thú vị.
Mình đã có thêm rất nhiều bạn bè khi học ở trường này. Mong những năm tiếp theo trường sẽ bổ sung thêm các câu lạc bộ để học sinh trong trường giao lưu. Tóm lại là rất đáng để học”.
Ngoài ra, còn có một bạn sinh viên khác với nickname là Duy Vu nhận xét: “Môi trường năng động, tự do, kích thích sự sáng tạo. Cơ sở vật chất tốt và đẹp, hoạt động ngoại khóa mạnh mẽ. Thế nhưng, trường còn khá xa với thành phố gây khó khăn cho việc di chuyển”.
Với những thông tin trên đây hy vọng quý bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về Trường Đại học Thương Mại. Nếu các bạn sắp sửa bước vào cánh cửa đại học thì Thương Mại hẳn là ngôi trường rất đáng để “ứng tuyển”.