Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, xin ý kiến góp ý rộng rãi. Theo đó, về cơ bản giữ ổn định như kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Bên cạnh đó đã có những sửa đổi liên quan đến hội đồng thi; xếp phòng thi; sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; đối tượng, điều kiện dự thi; đề thi và in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi; chấm thi, bảo lưu điểm thi, điểm khuyến khích; cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; thanh tra, kiểm tra thi; xử lý thí sinh vi phạm quy chế.
Một số sửa đổi liên quan đến thí sinh
Liên quan đến thí sinh, Dự thảo sửa đổi bổ sung như sau nội dung liên quan đến điều kiện dự thi.
Theo đó, đối tượng là người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước phải có Bằng tốt nghiệp THCS và không xếp loại học lực kém ở lớp 12. Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5 điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi đăng ký dự thi), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định.
Ngoài ra, theo Dự thảo Khoản 1 Điều 38 về bảo lưu điểm thi được sửa đổi, bổ sung như sau: Thí sinh dự thi đủ các bài thi/môn thi quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi tổ hợp đạt từ 5 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điểm bài thi hoặc điểm các môn thành phần của bài thi tổ hợp chỉ được bảo lưu theo quy định trên nếu các môn thi thành phần của bài thi đó đều đạt trên 1,0 (một) điểm.
Về điểm khuyến khích, Dự thảo sửa đổi bổ sung Điểm b và điểm c khoản 1 Điều 40, cụ thể:
Đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành môn Vật lí, Hoá học, Sinh học; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT.
Đối với giải cá nhân: Đoạt giải nhất, nhì, ba quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh hoặc Huy chương Vàng được cộng 2 điểm; giải khuyến khích quốc gia hoặc giải nhì cấp tỉnh hoặc Huy chương Bạc được cộng 1,5 điểm; giải ba cấp tỉnh hoặc Huy chương Đồng được cộng 1 điểm.
Đối với giải đồng đội: Chỉ cộng điểm đối với giải quốc gia; số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội theo quy định cụ thể của Ban Tổ chức từng giải; mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội được thực hiện như đối với giải cá nhân quy định tại điểm này. Những người học đoạt nhiều giải khác nhau trong nhiều cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất.
Về xếp phòng thi, điểm a khoản 2 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, thí sinh đã học xong chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước, thí sinh tốt nghiệp Trung cấp tham dự kỳ thi và thí sinh GDTX được bố trí dự thi chung với thí sinh Giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi tại một số Điểm thi do Giám đốc sở GD&ĐT quyết định, bảo đảm có ít nhất 60% thí sinh lớp 12 Giáo dục THPT trong tổng số thí sinh của Điểm thi (trong trường hợp đặc biệt, cần phải có ý kiến của Bộ GDĐT); việc lập danh sách để xếp phòng thi được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Sửa đổi liên quan đến đình chỉ thi
Về nội dung này, Khoản 3 Điều 54 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế này vào phòng thi/phòng chờ và khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển về phòng chờ và trong thời gian ở phòng chờ.
Cán bộ coi thi (CBCT) lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo Trưởng Điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. Nếu Trưởng Điểm thi không nhất trí thì báo cáo Trưởng ban Coi thi quyết định. Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho CBCT, phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định và chỉ được rời khỏi khu vực thi khi hết 2/3 (hai phần ba) thời gian làm bài thi tự luận hoặc khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm.
Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó.
Một số sửa đổi, bổ sung liên quan đến đề thi
Theo Dự thảo, Khoản 1 Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau: Đề thi, đáp án chưa công bố thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật”. Riêng đề thi dự bị của bài thi tự luận chưa sử dụng được giải mật sau khi kết thúc công tác coi thi của kỳ thi.
Liên quan đến quy trình ra đề thi, Điểm a và điểm b khoản 7 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau: Căn cứ yêu cầu của đề thi, mỗi Tổ ra đề thi có trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi (chính thức và dự bị) cho một bài thi/môn thi được giao phụ trách; việc soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án của các bài thi/môn thi và hướng dẫn chấm thi bài thi tự luận phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 15 Quy chế này.
Riêng đối với đề thi trắc nghiệm, Ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa (gọi chung là Ngân hàng câu hỏi thi) được xây dựng theo quy định của Bộ GD&ĐT là nguồn tham khảo quan trọng để soạn thảo đề thi tại khu vực cách ly theo quy trình sau:
Thư ký dùng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ Ngân hàng câu hỏi thi để chuyển cho các Tổ trưởng ra đề thi (có sự chứng kiến của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi và các Tổ trưởng ra đề thi);
Tổ trưởng ra đề thi phân công các thành viên trong Tổ ra đề thi thẩm định từng câu trắc nghiệm; tất cả các thành viên của Tổ ra đề thi cùng thảo luận, lần lượt tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm và tổ hợp thành đề thi theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi được quy định tại Điều 15 Quy chế này; sau đó, tất cả thành viên của Tổ ra đề thi cùng ký tên vào các đề thi và trình Chủ tịch Hội đồng ra đề thi;
Sau khi đề thi được Chủ tịch Hội đồng ra đề thi phê duyệt, thư ký thực hiện trộn đề thi thành nhiều mã đề thi khác nhau; tất cả thành viên của Tổ ra đề thi rà soát từng mã đề thi, đáp án và cùng ký tên vào từng mã đề thi đó.
Về in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi, Điểm c khoản 3 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau: Các túi đề thi phải được bảo quản trong hòm, tủ hoặc két sắt được khóa, niêm phong và bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày; chìa khóa do Trưởng ban Vận chuyển và bàn giao đề thi giữ; Trưởng ban Vận chuyển và bàn giao đề thi có thể ủy quyền bằng văn bản cho người phụ trách tổ hoặc nhóm vận chuyển giữ, bàn giao chìa khóa cho các Trưởng Điểm thi.
Trường hợp bất khả kháng không thể vận chuyển được bằng hòm, tủ hoặc két sắt được khóa niêm phong thì sở GD&ĐT cần xây dựng phương án vận chuyển đảm bảo an ninh, an toàn cho đề thi và báo cáo Bộ GD&ĐT (qua Cục Quản lý chất lượng) trước khi triển khai thực hiện.
Về vận chuyển, bàn giao đề thi, Khoản 2 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau: Chủ tịch Hội đồng thi phải áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho bài thi quy định tại Điều 19 Quy chế này; phải có Công an và Trưởng hoặc Phó Trưởng ban Thư ký Hội đồng thi trông giữ phòng lưu trữ, bảo quản bài thi liên tục 24 giờ/ngày.
Ngoài những sửa đổi này, Dự thảo cũng có những sửa đổi liên quan đến hội đồng thi; sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; chấm bài thi tự luận; cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; thanh tra, kiểm tra thi.
(Theo Bộ GD&ĐT)