Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đó năm 2023 có thể có nhiều thay đổi trong quá trình thi và đăng ký dự thi của thí sinh.
Dự thảo có 10 điểm thay đổi đáng chú ý
Theo đó, đối tượng thí sinh đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi được đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc đăng ký trực tuyến (quy định hiện hành yêu cầu thí sinh đăng ký trực tiếp tại trường phổ thông nơi thí sinh theo học lớp 12).
Hồ sơ ĐKDT với đối tượng này cũng thay đổi, cụ thể hồ sơ gồm: 2 Phiếu ĐKDT giống nhau; bản chính hoặc bản sao (bản sao được chứng thực từ bản chính, bản sao cấp từ số gốc, bản sao kèm bản chính để đối chiếu) của học bạ THPT hoặc học bạ GDTX cấp THPT, hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với GDTX do Hiệu trưởng trường phổ thông cấp; các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có); file ảnh (hoặc 2 ảnh 4×6 trong trường hợp đăng kí trực tiếp) kiểu căn cước công dân được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.
Quy định hiện hành yêu cầu bản sao hộ khẩu thường trú để được hưởng chế độ ưu tiên, tuy nhiên dự thảo đã loại bỏ yêu cầu này.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập đề những quy định trong quy trình tổ chức thi.
Về trách nhiệm của thí sinh được quy định tại điểm k, m khoản 4 Điều 14 của Quy chế:
– Thí sinh không không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm, với bài thi tự luận, thí sinh chỉ được phép ra khỏi phong sau 2/3 thời gian làm bài, tuy nhiên thí sinh vẫn phải ở lại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi chứ không được ra khỏi khu vực thi như quy định hiện hành.
– Các vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi gồm: Bút chì, bút bi, thước kẻ, compa, thước tính, tẩy, Atlat Địa lí Việt Nam với môn Địa lí, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ và không có chức năng soạn thảo văn bản. Như vậy các loại máy ghi âm, ghi hình không có chức năng truyền, nhận thông tin sẽ bị loại bỏ khỏi danh sách.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan tới đối tượng cộng điểm ưu tiên khu vực.
– Diện được cộng điểm ưu tiên là 0,25 điểm tại điểm d khoản 2 điều 39 gồm: Người Kinh hoặc người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam ít nhất 2/3 thời gian thời gian học THPT tại các trường phổ thông không thuộc địa bàn các quận của thành phố trực thuộc Trung ương và có nơi thường trú từ 3 năm trở lên trong quá trình học THPT tại hoặc xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; xã khu vực I, II, III, xã đặc biệt khó khăn tại vùng hải đảo hoặc bãi ngang ven biển; thôn xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng miền núi, dân tộc thiểu số theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
– Sửa đổi, bổ sung với diện cộng 0,5 điểm ưu tiên tại điểm a khoản 3 điều 39: Người dân tộc thiểu số đang theo học các các trường phổ thông không nằm trên các địa bàn nội thành thành phố trực thuộc Trung ương, các trường phổ thông dân tộc nội trú và có địa chỉ thường trú tại các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; xã khu vực I, II, III, xã đặc biệt khó khăn tại vùng hải đảo hoặc bãi ngang ven biển; thôn xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng miền núi, dân tộc thiểu số theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra dự thảo cũng sửa đổi các nội dung liên quan tới việc đăng ký dự thi, phần mềm, thiết bị; in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi; hội đồng ra đề thi; thủ tục dự thi; Ban làm phách bài thi tự luận…
(Nguồn: Bộ GD&ĐT)