Học giỏi môn vật lý luôn là mục tiêu của rất nhiều học sinh theo khối tự nhiên. Để học giỏi môn Vật lý, học sinh cần có sự chuẩn bị sớm và có phương pháp học tập khoa học, hợp lý.
Vật lý là một môn học có tính tương tác và ứng dụng rất cao trong đời sống xã hội. Tuy nhiên với nhiều học sinh, Vật lý là một môn học khó, khô khan, trừu tượng, ít gây hứng thú. Nhiều học sinh không biết môn học này ứng dụng như thế nào trong thực tế, học vật lý để làm gì và không biết bắt đầu học từ đâu? Do đó lúng túng khi lý giải một hiện tượng vật lý trong cuộc sống.
Để học giỏi môn Vật lý, khi học đến một vấn đề nào đó, học sinh hãy cố gắng liên hệ những điều tương tự, các sản phẩm, hiện tượng tương quan trong cuộc sống và móc nối các hiện tượng lại với nhau. Điều đó sẽ giúp bạn học giỏi môn lý một cách hiệu quả hơn.
Ví dụ khi học về lực đẩy, các bạn có thể hình dung đến chiếc bơm xe đạp, nén khí…điều này sẽ giúp các bạn nhập tâm hơn trong quá trình học, biến những phần lý thuyết khô khan thành các hiện tượng quen thuộc xảy ra hằng ngày, mềm mại dễ học và nhớ được rất lâu.
Chăm chỉ làm tất cả các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập cũng rất quan trọng góp phần giúp học giỏi môn Vật lý. Để hoàn thành tốt giải các bài tập vật lý, thì việc học đều các môn học khác cũng quan trọng, đặc biệt là môn Toán – môn học giúp rèn luyện tư duy logic và tính toán chính xác, rất cần thiết trong việc học giỏi môn Vật lý.
Học cách phân loại bài tập thành những dạng khác nhau, tìm ra được cách thức giải và tránh không bị lẫn. Luyện tập kỹ năng này sẽ giúp các bạn rèn luyện khả năng giải nhanh, giải đúng, giải trúng trọng tâm yêu cầu của đề.
Để học giỏi môn Vật lý, học sinh cần có sự chuẩn bị sớm và có phương pháp học tập khoa học, hợp lý. Học sinh có thể tham khảo 5 bước đơn giản sau đây:
1. Tạo sự yêu thích môn Vật lý
Muốn học tốt môn vật lý trước hết bạn cần phải có niềm yêu thích môn học – có yêu thích mới có hứng thú trong học tập. Với bất kể môn học nào, yêu thích cũng là một trong những yếu tố rất cần thiết để học giỏi môn đó.
Biến Vật Lý trở thành niềm: thường xuyên đọc sách Vật lý vui, tham gia những hoạt động liên quan đến môn Vật lý như tham gia clb Vật lý ở trường, trên Internet,… Hình thành thói quen hỏi “Tại sao?” trước mọi vấn đề, mọi tình huống thuộc môn vật lý dù đơn giản, khơi gợi tính tò mò, khao khát được lý giải và như vậy dần dần bạn sẽ khám phá được những cái hay, cái đẹp của bộ môn này mà yêu thích nó.
2/. Nắm bắt nhanh bài mới, nắm vững các kiến thức cũ.
Muốn làm được điều này chúng ta nên xem lại các bài học cũ trước khi học bài mới. Những bài học cũ đã được học qua, đã biết, nên xem lại sẽ nhớ rất nhanh. Khi được ôn lại, chúng ta sẽ nhớ được lâu hơn, chắc hơn. Thực tế cho thấy, trong quá trình làm bài tập, đặc biệt với bài trắc nghiệm, chỉ cần ta quên (hoặc không hiểu) một thuật ngữ nào đó thôi là mất điểm ngay.
Đọc và soạn bài thật kỹ cũng là một lý năng giúp nắm bắt nhanh kiến thức mới khi được thầy cô giảng trên lớp. Chú ý nghe giảng, ghi lại những từ ngữ quan trọng, những vấn đề còn chưa rõ trong bài, mạnh dạn hỏi ngay những gì còn chưa hiểu với thầy cô, bạn bè…sẽ tiếp thu nhanh hơn.
3/ Luôn tìm tòi mở rộng kiến thức
Chương trình trong sách giáo khoa là kiến thức chuẩn, căn bản nhưng do thời lượng chương trình ngắn, không thể giải thích cặn kẽ hết mọi vấn đề. Trong khi đó, vật lí là môn học thực nghiệm, gắn liền với rất nhiều hiện tượng thực tế trong cuộc sống. Cho nên, để nắm chắc và hiểu rõ kiến thức trong sách giáo khoa chúng ta cũng cần tự tìm tòi, đọc thêm sách tham khảo, làm bài tập thật nhiều, từ những bài dễ rồi đến những bài khó…Làm bài tập nhiều sẽ giúp ta rèn luyện tư duy nhanh, tích lũy thêm kiến thức bổ sung cho lý thuyết; đọc thêm nhiều sách chúng ta mới nắm chắc và hiểu sâu sắc hơn những kiến thức trong sách giáo khoa.
Để rèn luyện cách học giỏi môn lý chúng ta cần nắm vững các nguyên tắc: Nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa -> Sử dụng thành thạo kiến thức để làm các bài tập cơ bản một cách thuần thục -> Tự tìm tòi nâng cao kiến thức, vận dụng làm bài tập trong các sách nâng cao -> Tự tổng hợp kiến thức cho riêng mình -> Ghi chép, biến kiến thức sách vở mình học thành nguồn của mình -> giảng giải lại cho bạn bè một cách lưu loát không cần dùng sách vở -> Tư duy làm các bài tập khó, không có dạng nhất định.
4/ Thử học tập theo nhóm từ 03 đến 05 học sinh
“Một cây làm chẳng nên non- Ba cây chụm lại nên hòn núi cao rồi chứ”. Việc học tập cũng tương tự, học một mình sẽ giúp tập trung hơn, nhưng nếu học cùng với nhóm sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức hơn qua quá trình tranh luận, làm bài, nghiên cứu, các bạn sẽ học được nhiều kiến thức và kỹ năng hơn là việc một mình.
Khi có được sự phân công hợp lý trong nhóm thì việc học sẽ đạt được hiệu quả cao – không chỉ riêng môn vật lý mà các môn khác cũng vậy.
5/ Trình tự làm một bài toán vật lý bạn nên tham khảo:
– Đọc để hiểu đề muốn tìm những đại lượng nào.
– Tóm tắt đề bài: ghi ra những đại lượng cần thiết cho việc tìm ra đại lượng mà đề bài yêu cầu.
– Đổi đơn vị nếu cần (học sinh thường không để ý hay quên làm bước này).
– Vẽ hình minh họa (nếu hiện tượng có nhiều vật tham gia hay có nhiều trường hợp).
– Suy nghĩ những công thức nào có thể dùng để giải.
– Tìm ra đại lượng cần tìm sau khi biến đổi và kết hợp các công thức (chưa vội thế số).
– Thế số để tìm ra kết quả cuối cùng.
– Để ý đơn vị của kết quả có phù hợp thực tế không.